Hương Canh, thị trấn huyện lỵ Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; nằm dọc theo QL2 và đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 45 Km; nổi tíếng xưa và nay với nghề gốm qua các sản phẩm vại sành và ngói:[1]


"Ai về mua vại Hương Canh

Cho Mai lấy Trúc,

cho anh lấy nàng".

Đặc sản của Hương Canh có "Bánh hòn - Cháo se". Có khá nhiều giai thoại quanh hai món ăn rất đặc trưng này. Đám cưới chân quê chỉ tổ chức vài mâm "cháo se", "bánh hòn"; mà những đôi uyên ương vẫn sống đến đầu bạc răng long. Ngoài ra, các cuộc vui gặp mặt bạn bè, mừng con đầy tháng thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ, lên lão... rất trang trọng chỉ bằng hai thứ đặc sản đó. Hương Canh còn có nhiều trò vui ngày Tết cổ truyền. Xưa có tục đánh đòn. Tục này ra đời với ý nghĩa xua đuổi tà ma, ám muội trong các xóm của làng. Sáng mùng 1 Tết, thanh niên trai tráng của xóm dùng một cây tre dài trên có một đoạn dây thừng nhỏ và một thanh ngang. Họ vừa hò hét vừa đập mạnh cây tre xuống đường để xua đuổi tà ma, không cho quấy rầy dân làng trong năm mới. Một trò chơi vui và khỏe khác đó là kéo song. Trước Tết, dân làng cử một số người mang theo tiền lên Hà Giang hoặc Lào Cai để mua những cây song dài (khoảng 60 mét) có đường kính đều nhau. Sân chơi được bố trí cạnh chùa Cả với một cột gỗ lim to có đục lỗ giữa thân vừa cho cây song lọt qua. Hai bên đối diện người ta cho đào các hố đủ cho hai người ngồi. Mỗi bên 12 hố tương ứng với 24 người 1 bên. Các xóm thành lập đội kéo song gồm những thanh niên trai tráng (có thể ghép đội từ 2-3 xóm). Mỗi đội đều có một chỉ huy - gọi là cầm trịch. Khi thi đấu, người cầm trịch không kéo mà cầm một lá cờ nhỏ ở tay, đứng sát cột. Người cầm trịch thường có chiều cao, khả năng xác định thời cơ lúc thủ lúc công hợp lý cho đội nhà. Việc điều khiển (chỉ huy) được thực hiện bằng tín hiệu cờ. Khi nhịp người cầm trịch chúc cờ xuống đó là lúc đội nhà ghìm giữ dây song không cho bên kia kéo rút dây - nếu không kìm giữ tốt để bị rút mất dây là thua. Khi ngọn cờ đưa lên cao, đó là lúc cả đội chú ý chuẩn bị kéo (đó là lúc đối phương vừa dứt đợt kéo tấn công sức đã yếu. Và khi cờ của người cầm trịch phất xuống một cách mạnh mẽ, đó là lúc đội nhà dùng sức kéo quyết liệt nhất để rút dây. Kéo song là trò chơi thể hiện sức mạnh, thể hiện sự đấu trí của hai người cầm trịch và sự đoàn kết nỗ lực của đội thi đấu. Dân trong làng ủng hộ cho đội của mình, họ hò reo vang dội cổ vũ đội nhà mỗi khi đợt tấn công bắt đầu. Trò chơi này làm say đắm dân làng và khách đến chơi vào dịp Tết. Đó cũng là sự kiện để trai tráng trong làng dù đi làm ăn xa ở đâu cũng trở về để tham gia. Làng có những tên tuổi nổi tiếng trong giới cầm trịch như ông Nguyên (gọi là Nguyên Cao vì ông có chiều cao và mưu thuật trong chỉ huy), ông Tái Tuất... Hương Canh còn là một ngôi làng cổ rất đẹp hội đủ nhiều yếu tố địa lý thuận lợi (có con sông Cà Lồ uốn quanh, có đường Lộ 2 chạy qua, có đường sắt Yên Bái - Lào Cai). Trong làng có 3 ngôi đình lớn thờ 3 người con của Ngô Quyền là Ngô Xương Canh, Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập với những cột lim nhiều người ôm và chùa Cả linh thiêng. Một số bổ sung về làng Hương Canh: - Hệ thống chùa chiến của làng ngày xưa rất rộng gồm: chùa Cả (nay vẫn còn), chùa Bèo (đã bị dỡ), chùa Lò Ngói nay vẫn còn; các điếm, quán (là nơi thờ tự nhưng cũng là điểm canh giữ trên các hướng, cổng của làng): điếm Bầu, quán Vam, điếm Giữa, quán Đồng Sặt, quán Cây Đề (trên lối đi Tân Phong ngày nay)... - Làng có 4 ngôi đình tuổi đời khoảng 4-500 năm. Được xây dựng cơ bản bằng gạch nung và gỗ lim. Đình rất rộng, trung bình 700 m2 diện tích bên trong và nếu tính cả sân đình lên tới 10.000 m2. Đình Hương, Đình Ngọc, Đình Tiên Hường, Đình Cả. Hiện chưa có nghiên cứu nào cụ thể về mục đích cũng như mật độ dày của 4 ngôi đình này. Ngoài việc thờ phụng các con trai của Ngô Quyền, những người già trong làng vẫn nói về một ngụ ý - làng Hương Canh giống như sở chỉ huy sơ tán của thành Thăng Long xưa mỗi khi có giặc hoặc có biến. Từ thành Thăng Long có thể đến Hương Canh bằng đường sông: từ bến sông Hồng rẽ vào sông Cà Lồ sau đó đi tiếp 20 km là đến. Từ đó tiếp đến là vào dãy Tam Đảo. - Dân làng Hương Canh là những người ít nói, nhưng rất thẳng thắn. Họ có cách nói ngắn và rất hàm ý, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề định nói. Dân các làng cổ xung quanh vẫn gọi đây là làng Cả và theo quan hệ xưa, dân Hương Canh được tôn trọng như những người anh, người chị. - Hương Canh không nhiều đất canh tác, nhưng nghề gốm cũng không phải là nghề nuôi sống làng. Dân Hương Canh xưa rất giàu, bởi họ đầu tư vào nông nghiệp ở các làng bên. Bằng chứng là có hàng vạn mẫu ruộng ở Quất Lưu, Thanh Lãng, Đạo Đức, Sơn Lôi... đều có chủ là người Hương Canh. Họ bỏ tiền ra mua, nhưng không trực tiếp sản xuất, các gia đình ở các làng lân cận đứng ra canh tác và hàng năm trả cho chủ đất một nửa số thóc thu được. Người Pháp đã cướp bóc của làng hầu hết số tài sản tích cóp hàng trăm năm dưới dạng bạc nén hoặc vàng khối. Truyện kể lại, sau khi lập bốt ở làng, lính Pháp đã dùng máy dò kim loại, máy ủi đi khắp các xóm và họ đã lấy đi rất nhiều chum bạc, vàng của dân trong lúc họ đi tản cư. - Làng Hương Canh xưa được tổ chức giống như một pháo đài kiên cố. Làng có 3 cổng vào ra các hướng đồng chính. Xung quanh làng là lũy tre gai bao bọc, phía trong là mương nước. Truyện kể lại rằng, hầu như rất nhiều mưu toan cướp phá đều bị thất bại trước hệ thống phòng ngự có tổ chức của dân làng. - Dân làng Hương Canh không mê tín và không có các tập tục xấu hoặc dị tục. Mặc dù hệ thống chùa rất đầy đủ nhưng Hương Canh không hề có sư, sãi quản chùa. Những người dân trong làng tự thực hiện nghi lễ vào các ngày rằm, ngày Tết. Ở độ tuổi 50, mọi người dân trong làng (nam và nữ) đều đi quy chùa và có tên nhà chùa. Ví dụ như: Hiệu diệu Xuân, Hiệu diệu Thư... và khi mất đều được xướng gọi với tên gọi khi đi quy. Ở làng có các ngày lễ chính trên chùa và các điếm như: cầu mưa, cầu mát để mùa màng bội thu và giữ sức khỏe. Làng có chung một ngày giỗ trận vào tháng 7 âm lịch. Theo lời người già, đó là ngày giặc thằng què (toán cướp áo đen - viên tướng của bọn cướp này bị què một chân) vào cướp phá và mặc dù thất bại nhưng chúng đã giết rất nhiều người dân trong làng. - Làng Hương Canh là làng kháng chiến. Mặc dù bị pháp chiếm đóng, từng bị mang tiếng là làng Tề. Nhưng không hẳn như vậy, Hương Canh bị chiếm đóng bởi chính vị trí đắc địa của nó trong khu vực, đó là nơi giao lộ của sông, bộ, đường sắt... và bằng sự giàu có của dân làng. Nhưng chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của làng được thành lập năm 1936, đồng chí Đinh Đức Thiện đã từng bí mật ở làng nhiều năm để chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Vĩnh Phúc. Hương Canh có những lão thành cách mạng kiên trung như: Trần Đình Tâm (bị Pháp giết trong trận càn năm 1947), Trần Đình Cầu tham mưu trưởng tỉnh đội đầu tiên, Trần Tâm (sau làm Chánh văn phòng Khu tự trị Việt Bắc)... Bằng nguồn lực tài chính và hỗ trợ vật chất của làng Hương Canh, các đội du kích ở Tân Phong, Yên lạc, vĩnh Yên, Phúc Yên hoạt động mạnh mẽ gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Quân Pháp đóng quân trong làng nhưng tuyệt nhiên không thể tiếp cận được với dân chúng bởi các Lý trưởng là những người chống Pháp và là những người có uy tín trong các dòng họ ngăn cấm. Trong đợt cải cách ruộng đất, mặc dù có một số biểu hiện cực đoan của đội cải cách nhưng dân làng đã rất đoàn kết, biết phân biệt trái phải và không đấu tố bậy bạ nên thiệt hại về người ít và giảm được oan sai. - Hương Canh ngày nay đang phát triển và giàu có trở lại. Đầu tư sinh lãi dường như đã ngấm vào máu của người dân. Chưa có thống kê, nhưng tài sản của người dân Hương Canh ở các xã bên cạnh, tại Hà Nội, Phúc Yên, Vĩnh Yên và thậm chí là Sài Gòn rất lớn. Họ vẫn bình dị, ít nói và tích lũy tiềm lực rất căn cơ. Nếu bạn đã là người được dân Hương Canh tin tưởng, nghĩa là bạn không thể nghèo. Họ có thể cho bạn mượn tiền buôn bán làm ăn, giúp bạn xây nhà không đắn đo. Nhưng chỉ cần một lần bất tín, nghĩa là không có lần thứ hai trong quan hệ tài chính và vật chất, mặc dù bạn vẫn được đến nhà, đến bữa thì ăn cơm và vẫn nói chuyện bình thường. - Hiện chưa có những nghiên cứu cụ thể về Hương Canh, nhưng một số gia phả của các dòng họ lại có xuất xứ từ̀ Hà Nam, Nghệ An, Thái Bình... Có một câu truyện vẫn được thi thoảng nhắc lại, người dân Hương Canh là hậu duệ của các binh sĩ trung thành của triều đình được cử lên để trông giữ các công trình được xây dựng phục vụ cho việc sơ tán tài sản và các nhân vật quan trọng khi khẩn cấp. Thế nên, cái khí khái của người dân nơi đây giờ vẫn không đổi. Dù nghèo nhưng họ rất kiêu hãnh, tự tin

 

 

© BẢN QUYỀN WEBSITE THUỘC GIA TỘC HỌ ĐƯỜNG, HƯƠNG CANH - BÌNH XUYÊN - VĨNH PHÚC