QĐND Online - Sáng 28-4 (tức mồng 10-3 năm Ất Mùi) muôn triệu trái tim con lạc cháu hồng từ Bắc chí Nam và kiều bào ta ở nước ngoài cùng thành kính hướng về nguồn cội dâng nén tâm nhang lên anh linh các vị Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và tỉnh Phú Thọ.
Thành kính dâng lên Quốc lễ
Đúng 7 giờ ngày Giỗ Tổ (mồng 10-3 năm Ất Mùi), đoàn rước lễ khởi hành từ sân khu di tích hướng về đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh đến Đền Thượng. Đoàn rước quốc kỳ đi đầu mang theo vòng hoa với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Cùng đi là đoàn cầm cờ hội đại diện cho 100 con lạc cháu hồng và đoàn rước lễ vật dâng lên Đức Tổ Vua Hùng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương lên anh linh các Vua Hùng
Ảnh: Đinh Vũ
Trước sân hành lễ tại Đền Thượng, trên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh, bản chúc văn kính cáo anh linh các vị Vua hùng hào sảng vang lên do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 đọc. Trong đó có đoạn viết:
“Chúng con nay:
Sáu mươi ba tỉnh, thành: Nhớ lại tổ tông
Năm mươi tư dân tộc: Tìm về cội rễ!
Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa
Một gốc trăm nhành, gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ
Dựng cơ đồ, chị ngã em nâng
Cơn hoạn nạn bầu thương lấy bí
Bốn phương: Nam, bắc, tây, đông
Trăm họ: Gái, trai, già, trẻ
Hân hoan muôn dặm trung phùng
Kính cẩn một chầu đại lễ
Xin Tổ Vương vạn thế linh thiêng
Giúp con cháu trăm điều chỉ vẽ.
Bản chúc văn đã khái quát lại sử hào hùng dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta, đồng thời nêu bật những giá trị của thời kỳ đổi mới, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vươn lên xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
 |
Chủ tịch nước cùng các đại biểu dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong |
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu đã vào dâng hương tưởng niệm và tri ân công đức Tổ Tiên đã có công khai thiên phá thạch, trị thủy lập quốc, lập nên Quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Chủ tịch nước và các đại biểu đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc tại bước phù điêu Bác Hồ nói chuyện với đại đoàn quân tiên phong dưới chân đền Giếng.
Ngay sau nghi thức dâng lễ Giỗ Tổ của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã dâng hương lên anh linh các vị Vua Hùng, tri ân công đức của những người đã có công dựng nước. Từ khắp các ngả đường đổ về khu trung tâm Di tích Đền hùng, từng dòng người cứ nối tiếp nhau chầm chậm hướng lên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh. Trong dòng người ấy, có cả những em nhỏ mới chập chững biết đi, có cả những cụ già đã còng lưng chống gậy. Nhưng tất cả đều háo hức một niềm vui, niềm phấn chấn được về đất Tổ, được dâng nén tâm nhang thành kính ghi nhớ công ơn khai thiên trị thủy, phá thạch lập quốc của các vị Vua Hùng.
 |
Đoàn rước cờ, kiệu và lễ vật lên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh |
Niềm tin tâm linh và ý thức dân tộc đã tăng thêm sức mạnh giúp những đôi chân thêm rắn rỏi vượt qua hàng ngàn bậc đá lên đỉnh non thiêng. Thức dậy từ tờ mờ sáng để cùng con cháu thắp nén tâm nhang lên Đức Tổ Vua Hùng đúng ngày Quốc Giỗ, cụ Vũ Thị Nụ năm nay đã 90 tuổi, quê ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tình Thái Nguyên hồ hởi: Dù tuổi đã cao, nhưng năm nào tôi cũng về dự Lễ hội Đền Hùng. Đến đây, thấy mọi người đông đúc khắp nơi về dự hội tôi thấy vui lắm. Tôi như được khỏe ra và thấy phấn khởi. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thu ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh thì chia sẻ: Đi đâu cũng phải nhớ về nguồn cội anh ạ. Dù chúng tôi ở xa, nhưng những ngày này vẫn dành thời gian để về với chốn Tổ. Được dâng hương lên các vị vua Hùng, được cúi đầu thắp nén nhang trước Tổ Tiên là niềm tự hào và hạnh phúc đối với mỗi người con Việt Nam”.
Gìn giữ giá trị văn hóa cha ông
Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tìm về với nguồn cội, du khách được thể hiện tín ngưỡng tâm linh trước Tổ Tiên dân tộc. Hơn hết là được hòa mình vào một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại kết đọng từ chính bề dày lịch sử của văn hóa dân tộc - đó là tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Cũng chính từ đây, di sản văn hóa sẽ được lan tỏa và trường tồn.
 |
Nhân dân và du khách dâng hương lên Đức Tổ Vua Hùng |
Không chỉ có vậy, về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng, nhân dân còn được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền đất Tổ. Cả không gian lễ hội là không gian của sắc màu văn hóa. Phía bên này là hát Xoan, bên kia nhóm nghệ nhân là tái hiện những tập tục văn hóa đẹp… Chính những việc làm, những hoạt động ý nghĩa trong các dịp như thế này đã và đang góp phần tích cực vào công tác gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, làm cho những giá trị văn hóa đó có sức sống và lan tỏa trong cộng đồng.
Địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có hơn 1.300 điểm di tích lịch sử văn hóa và một hệ thống các di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc như: Các tín ngưỡng, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… Các giá trị văn hóa đó được giữ gìn và phát huy qua nhiều thời đại. Trong dịp Giỗ Tổ hằng năm, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đó lại cùng tụ hội dưới chân Nghĩa Lĩnh. Các tích trò như: Hát Xoan, hát Ghẹo, Ví Ống, Đâm đuống, Múa chuông, Mua chom gâu xúc tép… được tái hiện sinh động trong khuôn viên các trại tại Lễ hội Đền Hùng.
Anh Vũ Văn Quảng, CLB hát Xoan xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh tâm sự: “Tôi thực sự rất vui khi được đưa những làn điệu Xoan của quê hương mình tới đây để giới thiệu đến du khách. Khi thể hiện những làn điệu Xoan cổ này, chúng tôi thấy rất nhập tâm, rất ý nghĩa”. Có lẽ, sự nhập tâm đó của anh Quảng cũng là tâm trạng, là cảm nhận chung của các nghệ sĩ, các nghệ nhân khi được đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, của cộng đồng mình đến với đông đảo du khách và đồng bào cả nước.
 |
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức trong dịp Lễ hội Đền Hùng |
Di sản văn hóa dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa sẽ thực sự là động lực, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng là cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã vượt ra ngoài phạm vi một lễ hội, trở thành nơi cố kết khối đại đoàn kết dân tộc và nuôi dưỡng, gìn giữ sức mạnh nội sinh của dân tộc - sức mạnh văn hóa.
Ngày hội an lành và ý nghĩa
Theo ban tổ chức, trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm nay đã đón khoảng gần 8 triệu lượt du khách hành hương về dự lễ. Thế nhưng, những dòng người vẫn từng ngày trong dịp lễ nối tiếp nhau về Giỗ Tổ khá trật tự. Hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn hay chen lấn, xô đẩy đã không xảy ra. Điều đó không chỉ từ ý thức của mỗi người dân khi về với đất Tổ mà còn ở sự chuẩn bị chu đáo, tấm lòng, trách nhiệm của địa phương trong công tác tổ chức.
Ngay từ mờ sáng cho đến tận trưa, nhóm thanh niên tình nguyện Khởi nghiệp Hà Nội đã có mặt tại khu di tích Đền Hùng, người quét, người nhặt rác, người thì hướng dẫn du khách nơi bỏ rác để giữ gìn vệ sinh chung. Bạn Nguyễn Đình Bính, sinh viên Trường Đại học Mỏ Địa Chất tham gia trong nhóm sinh viên tình nguyện chia sẻ: Là người con của quê hương Phú Thọ, chúng em thấy tự hào khi được về đây đúng ngày giỗ Tổ trên quê hương mình để làm những việc có ích, giúp cho cảnh quan môi trường trong khu di tích sạch đẹp hơn, để mỗi bước chân du khách về đây đều cảm thấy vui tươi, phấn khởi.
Cùng chung niềm vinh dự tự hào với cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tỉnh Phú Thọ tham gia giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự cho Lễ hội Đền Hùng, Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Gần một tuần nay, anh em cán bộ, chiến sĩ liên tục thay nhau túc trực, phối hợp cùng các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự cho mùa lễ hội. Dù công việc cũng nhiều, song anh em ai cũng cảm thấy phấn khởi, tự hào khi được giao nhiệm vụ trong ngày hội lớn của không chỉ địa phương mà còn của cả nước.
Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 cho biết: Địa phương đã tích cực huy động các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong suốt mùa lễ hội, đồng thời cũng chuẩn bị mọi phương án để đảm bảo cho Lễ hội năm nay diễn ra an toàn. Mục tiêu cao nhất là hướng tới tổ chức lễ hội mẫu mực, chu đáo và làm hài lòng tất cả các du khách khi hành hương về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Bài và ảnh: DUY VĂN
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân Online